Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

Sống để... độ xe

Khi thú chơi đã trở thành niềm đam mê, ngấm vào da vào thịt thì người ta dường như quên tất cả để “phiêu” cùng cảm xúc. Điều đó lý giải tại sao đối với chiếc xe cổ có người thấy nó bình thường dưới mức bình thường, nhưng với dân chơi xe thì đó lại là “món hàng độc” mà họ phải bỏ rất nhiều công và của mới có được.

Chiếc Chopper "made in Vietnam" mang đậm phong cách độ xe kiểu Mỹ
Xin giới thiệu một nhân vật có thể nói rằng cả đời anh gắn liền với những chiếc xe sưu tầm. Mỗi ngày anh dành ít nhất tám tiếng đồng hồ để thiết kế xe, “độ” xe..., biến những chiếc xe xếp xó như đống sắt vụn trở thành tác phẩm nghệ thuật. Đó là Nguyễn Tấn Tài, nhân vật mê xe, độ xe thuộc hàng siêu đẳng trong giới chơi xe cả nước.
Ngôi nhà rộng rinhở ngay chợ Thủ Dầu Một (Bình Dương) của Tài cứ như gara với một bộ sưu tập la liệt gần ba chục chiếc xe máy, vài chiếc xe hơi đang bị mổ banh.
Điểm khác biệt của Tài với giới chơi xe, “độ” xe cả nước là tất cả các công đoạn, từ sưu tầm, sửa xe, làm máy đến thiết kế khung sườn, sơn xe (cả xe hai bánh lẫn bốn bánh)... đều do tự tay anh hoàn chỉnh với bài bản, công thức, ứng dụng kỹ thuật làm xe theo khoa học chứ khôngmang tính tự phát như kiểu “độ” xe thường thấy ở các thợ xe Việt Nam. 
Nếu chưa qua tiếp chuyện với Tài, ai cũng dễ bị sốc trước một tay đầu trọc, để chòm râu dài, người nổi rõ cơ bắp, mặt lạnh lùng, ít nói, nhưng nếu khơi đúng nguồn cảm hứng về xe, anh sẽ hào hứng nói về đam mê của mình.

Nhất xe nhì vợ
Một góc bộ sưu tập các đời xe của Nguyễn Tấn Tài
Tài chia sẻ về thú đam mê của mình: “Tôi mê xe từ năm 14 tuổi, đó là những năm thập niên 60. Hồi đó nhà nghèo, nhìn người ta chạy mấy chiếc Mobylette, Velo Solex... là thấy nghiền.
Lớn lên chút, “ông già” mua cho chiếc PC, rồi được đổi sang Honda Dame, sung sướng lắm. Tui có biệt tài là hễ xe hư cái gì tui chưa biết, đem tới thợ sửa, tui sẽ ngồi mày mò, học hỏi theo, chỉ một hai lần là có thể tháo banh máy, lắp ráp lại. Xe khi đó bệnh gì tôi cũng trị được hết, khỏi cần thợ nữa”.
Mê xe nhưng sau đó sang Mỹ định cư, phải mãi đến năm 2000 khi trở về, anh mới có điều kiện sưu tầm xe vì thấy xe cộ ở Việt Nam dạo đó rẻ quá, hễ nghe đâu bán là tìm đến mua, xe hai bánh, ba bánh, bốn bánh mua hết.
Xe cộ gom đầy nhà với đủ tên, như: Vespa, Mobylette, Velo Solex, đến các dòng xe mới hơn như: Honda 67, CD, LA, CB, side car, xe hơi... Tài cho biết, chỉ tính xe hai bánh cũng phải trên ba mươi chiếc, anh mua để nhìn cho đã mắt, cho thỏa mãn thôi.
Đến khi đụng vào thì mỗi chiếc một bệnh, chẳng chiếc nào lành lặn. Cái máu làm xe lại trở lại, thế là anh bỏ tất cả sự nghiệp bên Mỹ, trở về sống chủ yếu ở Việt Nam để “độ” xe.
Chiếc CB250 được rã máy, lên đời thành Chopper
Nói thêm lý do bỏ Mỹ về Việt Nam của anh cũng một phần liên quan đến đam mê xe, Tài kể: “Hồi sang Mỹ, tôi mơ được chạy con Harley phân khối lớn như mình hay thấy trên phim. Nhưng tiền chưa có, phải lo học hành, rồi đi cày kiếm cơm, với mục đích cuối cùng là làm sao phải mua được con Harley. Ước mơ thành hiện thực cũng phải sau gần hai mươi năm, tôi mua riêng cái máy Harley 1.600cc đã xấp xỉ 20 ngàn USD, tự đem về thiết kế hình dáng, khung sườn, đặt máy Harley vào thùng xe tải, mỗi ngày kéo đến trước nhà hàng tui kinh doanh, rảnh là ra làm xe, hơn một năm mới hoàn tất chiếc xe theo ý muốn, nâng giá trị chiếc xe lên đến 160 ngàn USD. Thỏa đam mê của mình nhưng sở thích của vợ lại khác. Vợ chồng đành chia tay. Tôi chọn xe thay vì vợ”.

"Độ" xe thỏa đam mê
Từ những kỹ năng học được ở các nhóm chơi xe, “độ” xe bên Mỹ, cộng với đam mê, Tài bắt tay vào “độ” các con xe trong bộ sưu tập mua được ở Việt Nam. Anh tạo hẳn một không gian riêng, sống một mình với đam mê xe cộ, thiết kế hình dáng, rã máy, lên khung sườn.
Mỗi năm về lại Mỹ một, hai lần để sắm thiết bị, phụ tùng làm xe. Tài khẳng định, mấy đồ nghề chuyên dụng chỉ ở Mỹ mới có, mà cũng phải biết săn tìm, trao đổi, học hỏi anh em trong giới mới biết được.
CD125 được thiết kế kiểu dáng lạ theo phong cách riêng của chủ nhân
Đó là những máy căn sườn bằng lazer, các thước đo kỹ thuật để tính độ nghiêng, độ chịu lực của khung sườn, ngay cả đến miếng băng keo chuyên dụng cho việc sơn xe cũng phải mua từ Mỹ.
Năm 2004, anh ra mắt tác phẩm đầu tiên là chiếc CD125. Tất cả các chi tiết từ làm máy, “độ” khung sườn, sơn xe đều do anh tự làm trong suốt 6 tháng.
Lễ hội hoa Đà Lạt 2004, anh đưa xe lên tham dự và nhận được lời tán thưởng của dân chơi xe khắp cả nước. Sau chuyến đó, Tài càng đam mê làm xe.
Theo lời anh: “Nằm mơ tôi cũng nảy ra ý tưởng thiết kế xe, lúc đó phải bật dậy ngay, vẽ lại ra giấy để nhớ”. Cách thiết kế xe của Tài cũng rất bài bản.
Ban đầu, anh phác thảo ý tưởng ra giấy khổ A4, chỉnh sửa ưng ý sẽ phóng thành kích thước thật theo đúng ni tấc, chiều cao, trọng lượng cơ thể, độ dài sải tay của chính anh. Kế đến là ứng dụng tính toán kỹ thuật vào việc chọn vật liệu làm khung sườn theo những công thức mà anh học được từ kiểu “độ” xe ở Mỹ.
Chỗ ngồi, xuất xưởng năm 1960, được "độ" lại theo nguyên bản
Tài nói, mỗi chiếc xe được anh coi như một tác phẩm riêng mà giới làm xe ở Việt Nam khó thực hiện được, bởi nó tốn rất nhiều thời gian và công sức.
Chẳng hạn như chiếc Chopper anh “độ” lên từ chiếc CB250 mua thanh lý ở Công an Bình Dương. Không kể phần làm máy, khung sườn, chỉ phần nước sơn đã mất hơn ba tháng, mỗi ngày trung bình tám tiếng, với tổng cộng 36 lớp sơn cho chiếc xe dài hơn 2,7m.
Mỗi góc nhìn sẽ thấy các chủ đề như nổi hẳn lên bề mặt sơn với màu sắc khác nhau như trong không gian ba chiều. Tài cho biết, nhiều tay chơi xe khi thấy mấy chiếc anh làm cũng hay tìm hỏi mua, nhưng anh cũng không biết bán thế nào, giá cả ra sao.
Tài nói, anh làm xe vì đam mê chứ không hẳn vì tiền. “Anh em nào thích học hỏi hoặc giao lưu, tôi sẵn sàng giúp đỡ”, Tài khẳng định.


BACK TO TOP