Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

Những góc tối trong thế giới xe Moto PKL tại Việt Nam

Để trở thành chủ sở hữu của một chiếc xe moto PKL không phải là một điều đơn giản. Để thỏa mãn niềm đam mê xe PKL trong điều kiện tài chính hạn chế có không ít những người chơi xe đã liều mình bỏ tiền để mua lại những chiếc xe phân khối lớn trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Và thị trường xe phân khối lớn hiện nay cũng tồn tại nhiều sự lẫn lộn trắng, đen. Mua xe trôi nổi, không ít dân mê xe PKL phải tìm đến các dịch vụ làm giấy tờ giả hoặc rửa nguồn gốc xe để lách luật.

Những góc tối trong thế giới xe Moto PKL tại Việt Nam - 47728
Trên một số diễn đàn trên mạng, việc mua bán các xe mô tô PKL loại này diễn ra khá sôi động với những lời quảng cáo rất hấp dẫn. Điều dễ nhận thấy là giá thành của những chiếc xe này rẻ hơn rất nhiều so với những chiếc xe được nhập khẩu chính ngạch về Việt Nam. Đơn cử như một chiếc Ducati 900 cm3 có giá chưa đến 150 triệu đồng, trong khi nếu được nhập về trong nước đã ngấp nghé 30.000 USD (khoảng trên 600 triệu đồng), hay như một chiếc xe Honda Shadow được giao là 7.000 USD, trong khi giá thị trường xe có giấy tờ hợp lệ là 17.000 USD…

Những góc tối trong thế giới xe Moto PKL tại Việt Nam - 47729

Trong giới chơi xe PKL, tiếng lóng dùng để gọi giấy tờ của những loại xe PKL là PP. Nếu vì “nghiền” xe phân khối lớn mà cắn răng mua những chiếc xe không có giấy tờ thì người trong giới gọi là sở hữu những chiếc xe “No PP”. Nguồn gốc của những chiếc xe này có thể là xe nhập lậu từ thị trường Campuchia nhưng cũng có thể là xe phi pháp. Đã mua và sử dụng những chiếc xe này, người chơi xe luôn xác định tư tưởng “được ăn cả, ngã về không”, nếu trót đã bị cảnh sát “sờ gáy” thì coi như mất luôn cả chiếc xe.

Những góc tối trong thế giới xe Moto PKL tại Việt Nam - 47730

Với loại “PP đi đường” người trong giới dùng để chỉ những trường hợp chỉ có thể giải quyết được trên đường, nếu bị đưa về trụ sở công an là “héo”. Hiểu theo cách khác “PP đi đường” thường sử dụng những giấy tờ đăng ký xe giả. Theo cán bộ của Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an Hà Nội, thủ đoạn làm giả giấy tờ xe máy thường có 3 dạng, đối tượng sử dụng “phôi” giấy tờ thật rồi sau đó dùng hóa chất tẩy xóa, từ đó điền nội dung mới, hoặc sử dụng 1 mặt của giấy đăng ký thật, mặt sau là đăng ký giả. Tinh vi hơn, có những đối tượng có thể áp dụng kỹ thuật đồ họa kết hợp sử dụng thiết bị in ấn công nghệ cao để làm giả hoàn toàn đăng ký xe mới. Với trình độ công nghệ cao như hiện nay, bằng mắt thường, trong quá trình xử lý vi phạm CSGT rất khó có thể nhận biết được những loại giấy tờ giả này.
Những góc tối trong thế giới xe Moto PKL tại Việt Nam - 47731

Ngoài ra, trong giới dân chơi xe PKL còn truyền nhau một độc chiêu khác để hợp thức hóa xe phân khối lớn không có giấy tờ hợp lệ. Người trong nghề thường gọi đây là kiểu “mẹ bồng con” hay cách gọi khác là PP không rút được hồ sơ, “PP ma”. Cách chơi này được hiểu là người chơi có một chiếc xe PKL hợp lệ, đầy đủ hồ sơ và giấy tờ. Sau một thời gian sử dụng, người này trình báo bị mất giấy tờ, biển số xe và xin được cấp lại. Như vậy là cùng một chiếc xe nhưng chủ xe lại sở hữu 2 giấy đăng ký và 2 biển số xe xịn. Khi xong việc, chủ xe có thể bán chiếc xe mình đang đi cho chủ mới đồng thời có thể mua một chiếc xe khác y chang không giấy tờ về. Chiếc xe mới này sẽ được đục lại số khung, số máy theo giấy đăng ký xe. Như vậy người chơi xe đã có thể sử dụng chiếc xe với đầy đủ giấy tờ và biển số xịn do cơ quan chức năng cấp. Chiếc xe này tuy có thể qua mặt được CSGT trên đường nhưng lại không thể rút được hồ sơ gốc chính chủ và không thể sang tên được thêm một lần nữa. Điểm lưu ý của dân chơi xe loại này đó là người sử dụng phải lột bỏ tem thông số trên xe để tránh sự chênh lệch giữa tem thông số và giấy tờ xe.

Những góc tối trong thế giới xe Moto PKL tại Việt Nam - 47732

Bên cạnh những kiểu “thay hồn đổi xác” như trên, thị trường xe PKL còn tồn tại 2 dạng khác đó là xe phân khối lớn thanh lý và xe phân khối lớn đăng ký biển nước ngoài. Trong đó xe thanh lý là những chiếc xe phân khối lớn có nguồn gốc không minh bạch, có thể là xe ăn trộm, xe nhập lậu hay xe gây tai nạn bị cơ quan chức năng thu giữ và đến thời hạn thanh lý theo quy định của Nhà nước. Còn xe đăng ký biển nước ngoài chủ sở hữu có thể mua lại hoặc mượn tên những người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam nhằm “lách” việc phải đóng thuế.

Những góc tối trong thế giới xe Moto PKL tại Việt Nam - 47733

Thời gian qua, khi Công an TP Hà Nội siết chặt việc xử lý đối với những phương tiện vi phạm giao thông đường bộ, đặc biệt là khi tổ công tác liên ngành 141 ra quân kiểm tra mạnh, thì tỉ lệ các xe phân khối lớn tham gia giao thông đã giảm đi rõ rệt. Tuy nhiên, theo cán bộ của Phòng Cảnh sát Giao thông Hà Nội, khi các xe phân khối lớn lưu thông trên đường, lực lượng CSGT rất khó nhận định được xe nào có giấy tờ hợp lệ, xe nào không có giấy đăng ký hay dùng đăng ký của xe khác. Chỉ khi những xe này vi phạm Luật Giao thông và sau đó có cơ quan giám định kết luận là xe có gian lận về số khung, số máy, không giấy đăng ký thì mới có thể xử lý được… Để hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng sử dụng xe PKL không rõ nguồn gốc, các cơ quan chức năng cần phải bịt những lỗ hổng ngay từ tuyến biên giới để tránh tình trạng có thể nhập lậu về Việt Nam.

Những góc tối trong thế giới xe Moto PKL tại Việt Nam


BACK TO TOP